Các phương pháp tạo trầm phổ biến từ cây dó bầu

Tác động vật lý, sử dụng hóa chất, hay cấy men vi sinh là những phương pháp phổ biến tạo trầm hương từ cây dó bầu.

Trầm không phải là một loại cây mà là bộ phận, khu vực bị thương của một loại cây thuộc họ Dó (Aquilaria). Những vết thương có thể được tạo ra tự nhiên, như thân cây gãy đổ, côn trùng hay kiến đục khoét. Vết thương cũng có thể do con người tác động vào cây, bằng cách khoan, đục, khoét chủ động hoặc bơm các loại hóa chất, vi sinh phá hủy thân cây. Tại vết thương sẽ tiết ra mủ cùng các yếu tố tác động là khí hậu, thổ nhưỡng… lâu ngày tạo thành lớp dầu. Lượng dầu quanh thân gỗ theo thời gian tích tụ thành trầm với hương thơm đặc trưng.

Vật lý

Hiểu cơ chế sinh trầm của cây dó bầu, con người đã nghĩ ra phương pháp gây vết thương cơ giới lên thân cây bằng các cách cắt các mảnh thùng phuy, sắt vụn, đinh… đóng vào thân cây. Theo nhiều chuyên gia, phương pháp này có ưu điểm là đơn giản, dễ thực hiện nhưng xác suất thành công thấp, hiệu quả không cao.

Hóa học

Phương pháp này tác động bằng một số kích thích hóa học hiện được sử dụng rộng rãi tại Việt Nam, có hiệu quả trong thời gian ngắn (thời gian hình thành trầm từ 18 đến 24 tháng).

Theo ông Trịnh Quý Trọng, Giám đốc Công ty Cổ phần Trầm hương Chiên Đàn, cách này có nhược điểm là trong sản phẩm tồn tại một số chất độc hại như CI, SO4, PO3… ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và không được chấp nhận tại nhiều quốc gia. Khối lượng trầm thu được trên mỗi cây bằng phương pháp này cũng không cao do lớp trầm thu được rất mỏng.

Sinh học

Đây là phương pháp gây bệnh cho cây bằng men vi sinh hoặc vi khuẩn đã được xác định. Theo nhiều nghiên cứu, phương pháp này có tỷ lệ thành công cao và hạn chế để lại dư lượng chất độc hại trong sản phẩm.

Theo ông Trọng, phương pháp này chưa được công bố rộng rãi và công thức pha chế các hợp chất cấy tạo vào cây vẫn là bí quyết riêng của những người làm nghề và các nhà nghiên cứu. Việc nghiên cứu công nghệ cấy tạo trầm hương cũng được thực hiện ở nhiều nơi trên thế giới, như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Ả Rập Xê Út, Ấn Độ, Thái Lan.

Phương pháp này cũng đang được áp dụng tại vườn dó bầu hơn 2.100 cây, tuổi đời 23, 24 năm tại Krông Bông, Đắk Lắk. Theo ông Trọng, cả vườn cây được cấy tạo men vi sinh với nguyên tắc đông y “vừa đánh vừa dưỡng”, giúp cây bị tổn thương nhưng vẫn tiếp tục sống khoẻ sau khi cấy tạo, cho cây có đủ thời gian tích tụ dầu ở vết thương và tạo thành trầm hương với độ dầy, mùi hương và chất lượng cao.

Quá trình cấy men vi sinh tại vườn chia làm hai đợt, đợt đầu là tháng 10-12/2021; đợt hai tháng 7-11/2022. Mỗi cây được bơm men vi sinh vào 25-30 hộc (cắt) để tạo trầm. Mỗi hộc được bơm men 5 lần. Sau khi hoàn thành, thời gian chờ thu hoạch ước tính 4-5 năm (ước tính bắt đầu thu hoạch từ năm 2026). Tuy nhiên, thực tế khi cấy tạo công nghệ này sau hai, ba tháng quá trình tạo trầm đã bắt đầu hình thành. Kết quả thay đổi (quá trình tạo trầm, tích tụ tinh dầu) có thể được theo dõi sau mỗi 3, 6, hay 12 tháng. Thời gian để càng lâu, chất lượng trầm càng cao.

Một ưu điểm nữa của phương pháp cấy men vi sinh là hướng đến giúp cây dó phát triển và hình thành trầm hương theo cách tự nhiên, thậm chí có phần nhỉnh hơn về khối lượng (trầm tạo ra) và chất lượng (độ tích tụ tinh dầu và mùi). “Nhờ những ưu điểm này, sản phẩm trầm hương vi sinh có nhiều ứng dụng và có thể sử dụng rộng rãi trong các ngành công nghiệp như dược phẩm, mỹ phẩm, hay để xông đốt trong một số nền văn hóa và tôn giáo”, ông Trọng nói.

Trầm hương chủ yếu nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới châu Á. Tuy nhiên, tùy vào địa hình và khu vực hình thành mà trầm hương có những đặc tính riêng tạo nên sự chênh lệch về giá. Theo Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), giống cây dó (Aquilaria) được tìm thấy ở các quốc gia như Bangladesh, Bhutan, Ấn Độ, Indonesia, Iran, Lào, Malaysia, Myanma, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Trong đó, trầm hương tại Việt Nam chủ yếu được tạo ra bởi giống cây dó bầu (Aquilaria Crassna).

Giáo sư Gishi Honda tại Đại học Tokyo – Nhật Bản từng nhận định giống cây dó bầu (Aquilaria Crassna) ở Việt Nam cho ra các sản phẩm trầm hương tốt nhất trên thế giới. Trong khi đó, ông Trần Hợp, Chủ tịch Hội Trầm hương Việt Nam khẳng định, Việt Nam là nước có điều kiện địa lý, khí hậu thuận lợi hàng đầu Đông Nam Á để phát triển cây dó bầu, từ đó sản xuất ra những loại trầm hương có chất lượng tốt.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.